Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Ghép tạng đối mặt với khan hiếm nguồn cung


Một số bệnh viện lớn trong nước đang cố gắng đưa ghép thận trở thành thường quy và chuẩn bị quy trình ghép tạng khó nhất: ghép tim. Hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép tạng trong mỏi mòn nhưng nguồn tạng cho vẫn quá khan hiếm. Tại Hội thảo tư vấn khoa học công nghệ lấy, ghép bộ phận cơ thể người vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng truyền thông sâu rộng tới cộng đồng về hiến tạng là một trong những yêu cầu hàng đầu để có thể xây dựng ngân hàng tạng.
Mở ra hy vọng về nguồn tạng từ người cho chết não
So với thế giới, ghép tạng ở Việt Nam đi sau nửa thế kỷ, còn với Thái Lan, chúng ta đi sau họ 20 năm. Năm 2007, Luật Hiến ghép tạng được ban hành đã thắp lên nhiều hy vọng cho người bệnh được cứu sống, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho kỹ thuật ghép tạng phát triển ở Việt Nam. Song, nỗ lực có được nguồn tạng từ người cho chết não quá khó khăn, những người làm chuyên môn như đang đơn độc trong hành trình tìm nguồn tạng cho người bệnh.
Theo PGS.TS. Lê Trung Hải - Phó giám đốc Bệnh viện 103, hiện tại nước ta có tới vài nghìn người chờ ghép tạng nhưng không thể thực hiện được vì nguồn tạng quá khan hiếm. Mặc dù đã có vài trăm ca ghép tạng thành công tại Việt Nam nhưng đến nay nguồn tạng để ghép vẫn là từ người cho còn sống. Họ là người thân có quan hệ huyết thống, là bạn bè thân thiết, là vợ chồng và phải chứng minh được sự cho tạng của họ là tình nguyện. Nhưng ghép tạng là một kỹ thuật cao trong y học, đòi hỏi nhiều hòa hợp về sinh hóa, kể cả khi có người nhà đồng ý cho tạng nhưng không hòa hợp những yêu cầu sinh hóa thì cũng không thể thực hiện được.
Sau ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não có hoàn cảnh khá đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mới đây, Bệnh viện Việt Đức cũng thực hiện thành công 2 ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não cho 2 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Những kết quả này đang mở ra hy vọng về nguồn tạng từ người cho chết não.

 Ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Đã sẵn sàng cho ghép tim
Theo GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học công nghệ - Bộ Y tế, dù đi sau thế giới nhiều năm, song hiện tại Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kỹ thuật, con người, cơ sở vật chất... sẵn sàng cho ghép tim trên người lấy từ bệnh nhân chết não. GS.TS. Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng, hiện tại đã đến thời điểm chín muồi để thực hiện ghép tim, thành công này sẽ trở thành một mũi nhọn trong điều trị bằng kỹ thuật cao.
Tuy nhiên các nhà chuyên môn vẫn đang loay hoay đi tìm nguồn tạng, đặc biệt là người cho tim. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, khó khăn cơ bản nhất là thiếu trầm trọng người cho tạng nói chung và người cho tim nói riêng. GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho biết, người bệnh có nhu cầu ghép tim rất nhiều, do đó phát triển kỹ thuật ghép tim là nhu cầu cần thiết. Song ghép tim không giống như ghép các tạng khác (ghép gan, thận người cho có thể là người sống), người cho tim phải là người đã chết não không thể cứu được. Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm, ở Mỹ, người ta sử dụng cụm từ "người cho là người chết" vì nếu dùng từ "người chết mất não" sẽ bị người nhà bệnh nhân hiểu là chưa chết hẳn, cần cứu chữa nên khó được chấp nhận cho tạng.

Các chuyên gia ghép tạng cho rằng nguồn tạng từ người cho chết não là một nguồn phong phú nhưng chưa được hiểu biết rộng rãi trong cộng đồng do quan niệm người phương Đông nói chung về cái chết còn rất nặng nề. Nhìn nhận về vấn đề này, GS. Francis L. Delmonic - Bộ môn Ngoại khoa Trường Đại học Y Harvard, Giám đốc y tế Ngân hàng tạng New England, Cố vấn Hội ghép tạng của Tổ chức Y tế thế giới - cho rằng cần phải phát triển nguồn tạng từ người cho chết não. Bởi hàng triệu người chết với các tạng còn chức năng sẽ cứu sống được nhiều người bệnh đang trong danh sách chờ được ghép tạng. Thành công này của y học và may mắn của người bệnh phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp và giáo dục. Theo GS. Delmonic, các bác sĩ Việt Nam đủ trình độ để thực hiện những ca ghép tạng khó nhưng hạn chế là nguồn tạng khan hiếm. Thực trạng này được giải quyết chắc chắn sẽ trải qua một quá trình và truyền thông phải đóng vai trò quan trọng tác động vào nhận thức của cộng đồng.  
        PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo Bộ đồng thuận với nhận định của các chuyên gia ghép tạng về thời điểm, điều kiện để triển khai ghép tim trên người từ bệnh nhân chết não, ca ghép tim đầu tiên có thể được triển khai trong năm 2010. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của truyền thông đến cộng đồng về hiến ghép tạng cần được tăng cường sâu rộng, nêu lên được ý nghĩa nhân văn của việc tự nguyện hiến mô, tạng phục vụ nghiên cứu y học và điều trị bệnh, trong đó báo Sức khỏe & Đời sống sẽ là một kênh thông tin quan trọng về vấn đề này.
Truyền thông tốt sẽ làm thay đổi quan niệm về hiến tạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét